STO - Nấm rơm là mặt hàng nông sản được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Nắm bắt được nhu cầu sử dụng nấm rơm của người dân, Trạm Khuyến nông huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) đã xây dựng mô hình trồng nấm rơm trong nhà kính để chuyển giao đến hộ dân, bước đầu đem lại năng suất tốt, đặc biệt là người dân đã tận dụng được nguồn phụ phẩm rơm trong quá trình sản xuất lúa, góp phần bảo vệ môi trường và tăng thu nhập tại hộ...
Đến tham quan mô hình trồng nấm rơm nhà kính được Trạm Khuyến nông huyện Thạnh Trị triển khai tại hộ ông Nguyễn Văn Ư, ấp Kiết Hòa, xã Lâm Kiết, huyện Thạnh Trị đúng vào thời điểm nấm cho thu hoạch những lứa đầu tiên. Những chiếc nấm rơm mọc trắng trên từng cuộn rơm hình trụ được chất ngay hàng, thẳng lối phía bên trong nhà kính và không khí bên trong nhà kính khá nóng.
Khu vực trồng nấm bên trong nhà kính tại hộ ông Nguyễn Văn Ư, ấp Kiết Hòa, xã Lâm Kiết, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: THÚY LIỄU
Đưa tay chỉ về phía những chiếc nấm đang giai đoạn thu hoạch, ông Ư bộc bạch: "Trước đây, tôi đã từng trồng nấm rơm ngoài trời, năng suất nấm khá tốt, lợi nhuận cao. Vì chủ yếu trồng nấm rơm lấy công làm lời, do phần lớn nguồn rơm sẵn có tại hộ, chỉ tốn chi phí mua meo. Khi thấy tôi chuẩn bị vụ trồng nấm ngoài trời vụ mới, Trạm Khuyến nông huyện Thạnh Trị đã hỗ trợ mô hình trồng nấm rơm bên trong nhà kính, tôi rất phấn khởi nhận ngay mô hình để làm tại hộ. Qua quá trình thực hiện, tôi nhận thấy mô hình rất phù hợp với bà con nông dân có sản xuất lúa, vì sau mỗi vụ thu hoạch lúa, nông dân tận dụng được nguồn phụ phẩm rơm có sẵn trên đồng, đem về nhà chất để trồng nấm. Tính đến thời điểm Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ trồng nấm nhà kính đến nay, tôi đã thu hoạch được 3 đợt nấm, sản lượng nấm hơn 30kg, với diện tích khu nhà kính 100m2".
“Theo tôi, nấm trồng trong nhà sẽ tránh được mưa nắng và một số côn trùng tấn công nên cây nấm phát triển tốt, cùng với đó nhiệt độ điều chỉnh được nên nấm sinh trưởng tốt, đảm bảo năng suất. Thời gian thu hoạch nấm kéo dài hơn 1 tháng (khoảng giữa tháng 11-2021 sẽ thu hoạch hết đợt nấm), dự kiến hết đợt thu nấm tổng sản lượng khoảng 400kg, trừ chi phí cho lợi nhuận hơn 15 triệu đồng/100m2 trong nhà kính. Với hiệu quả bước đầu mô hình đem lại, tôi chuẩn bị cho vụ trồng nấm rơm tiếp theo. Mặc dù chỉ mới tiếp cận với mô hình trồng nấm nhà kính nhưng tôi đã được cán bộ khuyến nông huyện chuyển giao hết kỹ thuật trồng nấm, kể cả hướng dẫn từng công đoạn làm nấm từ khâu chọn nguyên liệu cho đến thời điểm hiện tại nấm đã thu hoạch, cán bộ kỹ thuật còn hướng dẫn tận tình cách thu hoạch và cách xử lý nền đất để chất nấm trong mùa vụ kế tiếp” - ông Nguyễn Văn Ư chia sẻ thêm.
Cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông huyện Thạnh Trị Nguyễn Minh Trí thông tin: “Mô hình trồng nấm rơm trong nhà kính của ông Nguyễn Văn Ư, đơn vị triển khai vào khoảng cuối tháng 9, hỗ trợ 50% kinh phí làm nhà kính, hỗ trợ hoàn toàn kinh phí mua meo. Với diện tích 100m2, sử dụng 150 cuộn rơm để chất 100 trụ nấm. Thời gian từ lúc ủ và chất trụ rơm hoàn chỉnh đến thu hoạch nấm tầm 35 - 40 ngày. Sau khi nấm bắt đầu cho thu hoạch thì sẽ thu nấm 3 - 4 ngày/lần, trong hơn 1 tháng mới thu hoạch xong hết đợt nấm. So với trồng nấm bên ngoài thì nấm trồng trong nhà kính sẽ xoay vòng liên tiếp từ 8 - 10 đợt nấm/năm. Theo đó, lợi ích của việc trồng nấm trong nhà kính là đảm bảo chất lượng nấm, không bị ảnh hưởng của thời tiết. Chẳng hạn, nếu sử dụng 100kg rơm thì năng suất nấm thu về tầm 25 - 30kg, tăng gấp đôi so với trồng nấm bên ngoài, đặc biệt nấm trồng liên tiếp được nhiều đợt trong năm, trên cùng một nền đất bên trong nhà kính, nếu trồng bên ngoài nền đất đã chất nấm không thể tiếp tục chất nấm trong vụ tiếp theo. Cùng với đó, việc trồng không tốn chi phí diệt trừ các loại côn trùng, đảm bảo nấm an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng”.
THÚY LIỄU